Thủ tục hành chính

Ảnh liên kết

Tin mới đăng

Liên kết website

Lượng truy cập

Đang xem: 153
Hôm nay: 705
Trong tuần: 35716
Trong tháng: 437414
Tất cả: 14515437
Chuyên mục - Giới thiệu
Người Bí thư đầu tiên của Chi bộ Ngã tư Long Hồ và tỉnh Vĩnh Long

Tượng đài bán thân của vị Bí thư đầu tiên Chi bộ Ngã tư Long Hồ và Bí thư Tỉnh ủy tại Trường THPT Nguyễn Văn Thiệt (Mang Thít). Ảnh tư liệu: Báo Vĩnh Long

Trên vùng đất Long Hồ lịch sử, ông Nguyễn Văn Thiệt (sinh ngày 06/01/1909, tại làng Long An, quận Châu Thành, nay là thị trấn Long Hồ) được sinh ra trong một gia đình trí thức yêu nước. Cha của ông, cụ Nguyễn Văn Được (thường gọi ông Năm Được), người đã từng ủng hộ tích cực cho phong trào cụ Nguyễn An Ninh, trước những năm 1925-1927.

Quá trình hoạt động sôi động của những người cộng sản

Tuổi nhỏ, Nguyễn Văn Thiệt học tiểu học ở Vĩnh Long, chơi thân với Nguyễn Văn Đức và Châu Văn Ký. Với tính cách gan dạ, khẳng khái, Nguyễn Văn Thiệt thường giúp bạn bè.

Cho nên, khi rời Vĩnh Long lên học trường Huỳnh Khương Ninh tại Sài Gòn khoảng năm 1925 (một Trường trung học khá nổi tiếng lúc bấy giờ), Nguyễn Văn Thiệt từng cùng các bạn thân, tổ chức đánh những tên thực dân Pháp đi lẻ, nhất là bọn lính Pháp say rượu hống hách đi trên các xe kéo, ức hiếp dân lành.

Trong thời gian 3 năm học tại Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệt quen với anh Nguyễn Văn Côn (người Gò Công, thường được gọi là Chín Côn) qua các phong trào đấu tranh của học sinh vào thời bấy giờ, và sau này chí hướng của Nguyễn Văn Thiệt cũng ảnh hưởng từ anh Nguyễn Văn Côn.

Vào năm 1927, khi Kỳ bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí hội (TNCMĐCH) Nam Kỳ được thành lập và phân công vận động xây dựng cơ sở, Nguyễn Văn Côn (lúc này là Ủy viên Kỳ bộ) liền liên hệ với Nguyễn Văn Thiệt.

Nguyễn Văn Thiệt giới thiệu Châu Văn Ký (lúc ấy đang ở Sài Gòn) và Nguyễn Văn Đức (tự Đại, lúc này đang sống tại Long Hồ).

Anh Nguyễn Văn Côn về Vĩnh Long, gặp gỡ, thảo luận, vận động tại một địa điểm bí mật là chùa Minh Sư (trụ trì chùa bấy giờ là nhà sư Ngô Văn Lợi) ở làng Tân Giai (tổng Bình Long, quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long, nay thuộc Phường 2, TP Vĩnh Long).

Lễ kết nạp có Nguyễn Văn Thiệt, Châu Văn Ký và Nguyễn Văn Đức được tiến hành tại chùa Huệ Đường- tức chùa Phật phái Minh Sư (nay thuộc Khóm 5, Phường 2, TP Vĩnh Long). Buổi lễ do Ủy viên Kỳ bộ Nguyễn Văn Côn về Vĩnh Long, trực tiếp chủ trì.

Sau đó, Nguyễn Văn Côn đưa 3 người trong Chi bộ Long Hồ tại tỉnh Vĩnh Long lên Sài Gòn ngụ tại căn nhà của tổ chức TNCMĐCH (số 45 đường Verdun, nay là đường Lê Quý Đôn), để rèn luyện phương cách hoạt động và phân công Nguyễn Văn Thiệt về lại tỉnh Vĩnh Long vận động, tổ chức cơ sở cách mạng.

Khi về lại TP Vĩnh Long, Nguyễn Văn Thiệt kết nạp Nguyễn Hữu Đức (Đức Râu), một thanh niên lao động tại đây và Nguyễn Trí, thợ chạm bạc quê TP Vĩnh Long, rồi tiến hành thành lập Chi bộ TNCMĐCH đầu tiên tại Ngã tư Long Hồ đầu năm 1928. Nguyễn Văn Thiệt là Bí thư đầu tiên của chi bộ này tại tỉnh Vĩnh Long.

Trong thời gian này, Nguyễn Văn Nhung (người Long Hồ, được kết nạp vào TNCMĐCH tại Nam Vang năm 1927), được giới thiệu về hoạt động ở Chi bộ Ngã tư Long Hồ và phân công hoạt động tại huyện Long Hồ với Nguyễn Hữu Đức và Nguyễn Trí tại Vĩnh Long, còn Nguyễn Văn Thiệt đến Tam Bình rồi qua Vĩnh Xuân (Trà Ôn) để tuyên truyền, tổ chức, thành lập các Chi bộ Giồng La Ghì, Chi bộ Vũng Liêm, Chi bộ Ba Chùa, Chi bộ Cái Ngang.

Như vậy thời điểm sau ngày 03/02/1930, tại tỉnh Vĩnh Long đã có 05 chi bộ cộng sản, do các ông Nguyễn Văn Thiệt, Nguyễn Hữu Đức, Nguyễn Văn Nhung, ... chỉ đạo thành lập.

Chi bộ Long Hồ và Tỉnh ủy Vĩnh Long - khởi sắc ban đầu

Vào năm 1929, tình hình hoạt động các tổ chức cộng sản 3 miền còn chưa cao, các tổ chức cách mạng trong nước bấy giờ còn hạn chế, ông Châu Văn Liêm về Vĩnh Long kết nạp Nguyễn Văn Thiệt, Nguyễn Văn Nhung, Nguyễn Hữu Đức vào An Nam Cộng sản Đảng (ANCSĐ), đổi tên chi bộ thành Chi bộ ANCSĐ và cử Nguyễn Văn Nhung làm Bí thư. Sau này, Nguyễn Văn Nhung trở thành Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long.

Cuối năm 1929, Nguyễn Văn Nhung bị mật thám thực dân Pháp truy lùng buộc phải xuống Rạch Chùa, Tam Bình rồi sang Cà Mau hoạt động. Kỳ bộ ANCSĐ giới thiệu Nguyễn Văn Thiệt và ông được bầu làm Bí thư đầu tiên của Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tại Ngã tư Long Hồ.

Tháng 3/1930, Chi bộ Ngã tư Long Hồ đã tổ chức được 2 cuộc mít tinh trong địa bàn: một tại Rừng Dơi ở xã Phước Hậu và một tại xã Long An.

Mỗi cuộc mít tinh có khoảng 100 người tham dự. Chi bộ đưa người ra diễn thuyết về sự bần cùng, lao khổ, kêu gọi đoàn kết đấu tranh và được nhân dân Long Hồ và các xã có đông người dân đấu tranh, đồng tình ủng hộ.

Hưởng ứng chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương, Chi bộ Đảng Cộng sản Ngã tư Long Hồ, ngày 06/5/1930, có cuộc biểu tình lớn khoảng 2.000 người tham dự, gồm 3 quận: Châu Thành, Vũng Liêm, Tam Bình.

Đầu tiên, cuộc biểu tình xuất phát tại Ngã tư Long Hồ kéo ra tỉnh lỵ Vĩnh Long theo đường ra Phường 4 bây giờ, các khẩu hiệu "Tinh thần 1/5 muôn năm", "Giảm thuế thân cho dân nghèo", "Đả đảo Đế quốc Pháp, quan làng tay sai", "Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm". Khi đến Văn Thánh miếu, cuộc biểu tình bị thực dân Pháp đàn áp dữ dội, 8 người dân hy sinh và 60 người bị bắt.

Ngày 02/6/1930, Chi bộ Ngã tư Long Hồ lại tổ chức cuộc mít tinh lớn ở làng Long Đức, Long An. Cuộc mít tinh đã biến thành cuộc biểu tình có khẩu hiệu và có cờ đỏ búa liềm.

Theo tài liệu "Thống kê các cuộc biểu tình do Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức từ ngày 01/5/1930 đến 31/12/1931" thì vào ngày 02/6/1930, có 600 người bản xứ định biểu tình ở tỉnh lỵ Vĩnh Long, 100 người bị bắt".

Như vậy, trong mấy tháng sau khi thành lập, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên tại Ngã tư Long Hồ (do Nguyễn Văn Thiệt làm Bí thư) đã liên tiếp tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình rầm rộ, gây được tiếng vang lớn và tạo nên những ảnh hưởng quan trọng trong phong trào cách mạng tại Vĩnh Long.

Cuối năm 1940 đầu năm 1941, khi tổ chức hoạt động công khai bị đàn áp gắt gao, Nguyễn Văn Thiệt bị thực dân Pháp đưa quản thúc tại Nhà lao Bà Rá (Biên Hòa).

Từ cuối năm 1941 đến 1943, một số đồng chí thoát khỏi cuộc vây ráp của thực dân, vì không bắt được liên lạc với Trung ương Xứ ủy nên tự đứng ra gầy dựng phong trào cơ sở Đảng.

Đến cuối năm 1943, tỉnh Vĩnh Long có 2 tổ chức đảng hoạt động, đó là Xứ ủy Tiền Phong của Trần Văn Giàu đứng đầu và Xứ ủy Giải Phóng do Phạm Ngọc Thạch đứng đầu.

Vào tháng 4/1945, Nguyễn Văn Thiệt cùng Nguyễn Hữu Thế vượt được trại tù về lại tỉnh Vĩnh Long hoạt động.

Ông một mặt liên lạc với Nguyễn Thanh Sơn, Hà Huy Giáp, Bùi Công Trừng, hoạt động để thống nhất lại tổ chức Đảng ở tỉnh, mặt khác cùng với Nguyễn Hữu Thế bắt liên lạc với các đảng viên cũ thành lập Chi bộ đặc biệt gồm: Nguyễn Văn Thiệt (Bí thư), Nguyễn Hữu Thế, Phan Văn Sử, Diệp Ngọc Côn, Khuất Duy Trì và Phạm Long (ở xã Phước Hậu).

Với tình hình chuyển biến nhanh phong trào, tháng 5/1945, Chi bộ đặc biệt bắt liên lạc với Xứ ủy Tiền Phong do Trần Văn Giàu đứng đầu.

Từ ngày 17 - 20/8/1945, Xứ ủy Nam Kỳ khẩn trương mở hội nghị tại Chợ Đệm. Nhận được lệnh Tổng khởi nghĩa của Xứ ủy, chiều ngày 23/8/1945, Chi bộ đặc biệt Vĩnh Long mở ngay cuộc họp khẩn cấp trên gác tiệm phô-tô "Hà Nội" tại TX Vĩnh Long, đề ra kế hoạch khởi nghĩa: lấy Thanh niên Tiền phong làm lực lượng chính, vận động binh lính (chủ yếu là lính tập), công chức; động viên rộng rãi quần chúng nhân dân sẵn sàng tham gia giành chính quyền trên cơ sở chủ trương, chương trình của Mặt trận Việt Minh.

Đồng thời, Chi bộ đặc biệt vạch ra kế hoạch đưa người vào cấp tỉnh và tiến hành thống nhất các tổ chức đảng, đặc biệt phải bắt liên lạc với tổ chức Đảng ở Tam Bình (lúc này, tổ chức Giải Phóng của ông Lưu Văn Tài cũng chuẩn bị khởi nghĩa, họp ở Tam Bình và Lưu Văn Tài là Trưởng Ban Khởi nghĩa).

07 giờ sáng ngày 25/8/1945, hàng vạn quần chúng cùng với Thanh niên Tiền phong và các xã thuộc quận Châu Thành biểu tình hô vang khẩu hiệu: "Việt Nam độc lập muôn năm", "Việt Minh muôn năm".

Đoàn người biểu tình giương cao cờ đỏ sao vàng, diễu hành qua các đường phố rồi tập trung trước nhà việc Long Châu nghe lời hiệu triệu của lãnh đạo Ban Khởi nghĩa do Nguyễn Văn Thiệt, Nguyễn Hữu Thế, Nguyễn Văn Phát và bác sĩ Trương Ngọc Quế, đứng ra diễn thuyết trước nhân dân.

10 giờ trưa ngày 25/8/1945, đoàn đại biểu gồm Nguyễn Văn Phát, Phan Văn Sử, Trương Ngọc Quế đến dinh Chánh Tham biện gặp Tỉnh trưởng Lương Khắc Nhạc, buộc phải giao chính quyền về tay nhân dân.

Cuối tháng 9/1945, cuộc họp bàn về việc thống nhất các tổ chức đảng được triệu tập ở Ngã tư Long Hồ, đi đến thống nhất 2 tổ chức đảng thuộc Tiền Phong và Giải Phóng, thành lập Tỉnh ủy thống nhất lâm thời tỉnh Vĩnh Long và bầu Nguyễn Văn Thiệt làm Bí thư Tỉnh ủy.

Như vậy, trong một thời kỳ dài hơn 20 năm tại Vĩnh Long, Nguyễn Văn Thiệt là đầu mối vững chắc để xây dựng cơ sở, thu thập nhiều cán bộ cách mạng trở về tỉnh Vĩnh Long hoạt động.

Sau này, năm 1954, tập kết ra miền Bắc, Nguyễn Văn Thiệt được phân công là Phó Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn (sau đổi ra Bệnh viện Việt-Đức) trực tiếp phụ trách công tác Đảng - Đoàn.

Sau đó, trong cơn bạo bệnh kéo dài một tháng, Nguyễn Văn Thiệt mất tại Thủ đô Hà Nội lúc 16 giờ 10 phút ngày 31/12/1970, an táng tại Thủ đô Hà Nội. Nay, mộ phần của ông được Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho đưa về cải táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long.

Theo Báo Vĩnh Long Online

Quay lại In bài viết

Các tin liên quan

6 điều Bác Hồ dạy

1. Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.


2. Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.


3. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.


4. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.


5. Đối với công việc, phải tận tụy.


6. Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo.

 

Chuyên mục Vì ANTQ

Các chuyên mục Video trong ngành An toàn giao thông Vì an ninh tổ quốc

Hình ảnh hoạt động

Đ/c Giám đốc trao bức trướng cho ĐTN Công an tỉnh Lãnh đạo Tỉnh ủy chúc mừng Tết Nguyên đán 2023 Lãnh đạo Tỉnh ủy chúc mừng Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 Giám đốc Công an tỉnh tặng quà cho tân binh nhập ngũ 2023 Phó Giám đốc Công an tỉnh tặng quà tân binh nhập ngũ 2023

Thông tin Truy nã

Thông tin truy tìm

Bản đồ hành chính